foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Như Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giáo dục Mầm non tốt sẽ mở đầu cho một nền tảng giáo dục tốt”. Trường Mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu, bồi dưỡng cho các cháu trở thành người công dân có ích. Muốn thực hiện được điều đó, trước hết người giáo viên phải có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ để trang bị cho trẻ những kiến thức toàn diện về các môn học, phải nhận thức đúng về nhiệm vụ, mục đích- yêu cầu, nội dung của chương trình giáo dục mầm non mới.

Lời dạy của Bác đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam chúng ta qua nhiều thế hệ. Bởi vậy sự nghiệp trồng người được Đảng và nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Đặc biệt là bậc học Mầm non là nển tảng cơ sở ban đầu cho việc hình thành và phát triển một con người toàn diện. Vì thế trẻ em không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là tương lai của đất nước, của xã hội. Non sông Việt Nam có lớn mạnh hay không, xã hội Việt Nam có phồn vinh hay không điều đó phụ thuộc phần lớn vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Giáo dục Mầm non là khâu đầu tiên trong hệ thống giáo dục là nền tảng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người mới trong xã hội mới. Hơn ai hết, bản thân tôi là một sinh viên, một người giáo viên Mầm non tương lai, tôi rất hiểu vai trò của mình trong sự nghiệp “trồng người”, tôi nguyện đem hết khả năng, năng lực và tâm huyết của mình để giáo dục trẻ và giúp trẻ phát triển hài hòa, cân đối về mọi mặt “Đức- Trí- Thể- Mỹ”.

Như chúng ta đã biết đối với trẻ em, việc hướng dẫn cho trẻ làm quen với toán học ngay từ lứa tuổi Mầm non là cơ hội tốt đểsớm hình thành ở trẻ những khả năng tìm tòi, quan sát, so sánh… tăng cường khả năng ngôn ngữ và tư duy logic.

Đối với trẻ Mầm non, môn làm quen với Toán là môn học rất quan trọng và cần thiết với trẻ và cũng là vốn kiến thức ban đầu để trẻ bước vào ngưỡng của mới của cuộc sống sau này của trẻ. Môn toán đã mang lại cho trẻ sự phát triển tư duy đồng thời thông qua môn toán trẻ có thể tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh mình, với môn toán trẻ trở nên tích cực nhanh nhẹn hơn trẻ biết đếm, phân biệt nhiều hơn, ít hơn trẻ biết tách gộp chia nhóm, ngoài ra trẻ có thể xác định được các hình khối. Như vậy trẻ đã được hình thành những nét sơ đẳng biểu tượng ban đầu của toán học. Đến với môn làm quen với toán trẻ trở nên tích cực, nhanh nhẹn hơn, trẻ biết đếm, phân biệt nhiều hơn, ít hơn, trẻ biết tách gộp, phân chia nhóm, ngoài ra trẻ có thể xác định được các hình khối, xác định không gian.

Ở độ tuổi 5-6 tuổi, thường chú trọng vào việc cho trẻ làm quen với các con số, phép đếm đặc biệt là do từ nhận thức mong muốn của phụ huynh mà những kiến thức khác của làm quen với toán bị xem nhẹ và ít được quan tâm nên trẻ nhận thức về vấn đề này chưa sâu nhất là vấn đề định hướng trong không gian nên một vài trẻ còn chậm khi xác định phương hướng.

Đối với trẻ 5-6 tuổi dạy trẻ định hướng trong không gian là rất gần gũi với thực tế xung quanh trẻ, có rất nhiều các đồ vật, con vật, hiện tượng khác nhau… có những đồ vật thì gần gũi với thực tế xung quanh trẻ, có những đồ vật thì phạm vi rộng hơn, tất cả đều được sắp xếp bố trí ở các hướng khác nhau đối với trẻ. Để giúp trẻ nắm vững các biểu tượng định hướng trong không gian là một nội dung quan trọng, vừa phù hợp với thực tiễn hiểu biết của trẻ vừa mang tính lâu dài trong việc hình thành kiến thức toán học sau này của trẻ qua đó giúp trẻ nắm bắt rõ hơn được những kiến thức về xác định phương hướng trong không gian đối với bản thân trẻ, đối với bạn khác và đối vơi các đồ vật, để từ đó trẻ áp dụng vào thực tiễn về trí tuệ và phát triển về nhân cách con người mới từ tuổi thơ.

Vì vậy là một giáo viên mầm non tương lai, khi được về thực tập tại trường mầm non Phúc Đồng, tôi nhận thấy rằng các giáo viên chưa thực sự quan tâm đến dạy trẻ định hướng không gian. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi đã quyết định thực hiện nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp hình thành sự định hướng trong không gian cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non Phúc đồng- Hương Khê- Hà Tĩnh”.

II. NỘI DUNG

2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Định hướng không gian là một trong những điều kiện cần thiết để hình thành sự nhận thức và phát triển nhân cách của trẻ. Các nhà giáo dục học Xô- viết, cũng như các nhà tâm lý học phương Tây cho rằng bất kì hoạt động nào của trẻ cũng cần đến kiến thức, kĩ năng định hướng trong không gian. Vì thế, trong mọi hình thức hoạt động của trẻ, sự định hướng trong không gian là điều kiện cần thiết thúc đẩy sự phát triển năng lực tư duy và năng lực sáng tạo cho trẻ. Nó không chỉ giúp trẻ thực hiện một cách chính xác các hoạt động phương hướng mà còn giải quyết một cách hiệu quả và sáng tạo các nhiệm vụ thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Những hạn chế về khả năng định hướng trong không gian ở trẻ là một rào cản rất lớn gây ra những lỗi đặc trưng khi trẻ tham gia vào các hoạt động học tập cũng như các hoạt động vui chơi, lao động… Cho nên, dạy trẻ định hướng trong không gian là vô cùng quan trọng và cần thiết ở trường mầm non. Tuy nhiên, để có thể vạch ra những nội dung, phương pháp, biện pháp hình thức tổ chức sao cho phù hợp với đặc điểm phát triển nhận thức không gian của trẻ, thì các nhà giáo dục học cần phải xuất phát từ cơ chế tâm lý hình thành sự định hướng trong không gian của trẻ.

2.2. Đặc điểm phát triển biểu tượng về không gian và sự định hướng trong không gian của trẻ mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói riêng

- Sự phát triển nhận thức của trẻ mầm non về các vùng không gian:

Tương ứng với ba trục khác nhau của cơ thể, không gian được chia thafnhc ác vùng: Phía trên- phía dưới ứng với trục thẳng đứng phía trước- phía sau ứng với trục chính diện, phía phải- phía trái ứng với trục nằm ngang. Bên cạnh đó, các vùng không gian không hề tồn tại riêng lẻ, rời rạc mà chúng tồn tại một cách trọn vẹn, thống nhất, và có sự giao thoa với nhau. Cụ thể, vùng bên phải được phân chia thành 2 vùng nhỏ phía trước bên phải và phía sau bên phải, vùng bên trái cũng gồm 2 vùng nhỏ phía trước bên trái và phía sau bên trái.

Ở trẻ 3 tuổi, không gian mà trẻ định hướng thường rất hẹp trẻ chỉ có thể thực hiện sự định hướng trên cơ sở tiếp xúc gần với đối tượng. Trong giai đoạn này vùng không gian đối với trẻ là các miền rời rạc, tách biệt nhau nên trẻ đánh giá rằng chỉ có những vật nằm trực tiếp hay vuông góc với các trục chính diện, trục thẳng đứng, trục nằm ngang của cơ thể trẻ mới là những vật nằm ở phía trước, phía sau hay phía trên của trẻ. Ngược lại, vật nằm ở các góc giữa hai hướng thì trẻ không thể xác định được. Ví dụ: Vật ở phía trước bên trái thì trẻ không xác định được vật đó ở phía trước hay phía phải.

Ở trẻ 5-6 tuổi, diện tích các vùng không gian àm trẻ tri giác tăng lên đáng kể. Trẻ nhận ra được tính thống nhất, tính liên tục cũng như sự chuyển tiếp giữa các vùng không gian đó. Nhờ vậy mà trẻ đã xác định được vị trí của vật đặt cách xa trẻ hay vật nằm ở các điểm trung gian giữa hai vùng.

- Sự phát triển nhận thức của trẻ mầm non về các mối quan hệ không gian

Hầu hết trẻ ở lứa tuổi mầm non thì phát triển nhận thức về các mối quan hệ không gian đều chậm hơn so với sự phát triển nhận thức các mối quan hệ khác trong toán học như quan hệ về số lượng, quan hệ về kích thước.

Trẻ nhỏ thường tri giác các vật xung quanh một cách riêng biệt, tách rời các mối quan hệ không gian tồn tại qua lại giữa chúng, đồng thời, trẻ chưa quen khi chuẩn không phải là bản thân trẻ vì thế trẻ gặp khó khăn khi xác định các hướng từ đối tượng khác.

Trẻ càng nhỏ, càng dựa trên sự tiếp xúc gần gũi giữa các vật để đánh giá mối quan hệ không gian giữa chúng. Trẻ lớn, nhờ vào sự phát triển nhận thức về hệ tọa độ và các vùng không gian, trẻ dần dần phát hiện ra mối quan hệ không gian giữa các vật và biết phản ánh mối quan hệ đó bằng lời nói. Cuối tuổi Mẫu giáo phần lớn trẻ đã thực hiện được sự định hướng trong không gian mà không phụ thuộc vào vị trí của bản thân trẻ, trẻ đã thích nghi khi chuẩn thay đổi nghiên cứu về nội dung dạy trẻ Mẫu giáo định hướng trong không gian nhà giáo dục học A.M. Leusina cho rằng:

+ Đối với trẻ dưới 3 tuổi cần mở rộng dần các hướng quan sát vật đặt và tăng dần khoảng cách so với trẻ.

+ Đối với trẻ 3-6 tuổi trước hết dạy trẻ xác định các hướng chính cơ thể trẻ, dựa vào sự nhận biết và nắm được tên gọi cũng như sự sắp đặt các bộ phận trên cơ thể của mình một cách chính xác, lấy đó làm cơ sở để hình thành khả năng định hướng trong không gian.

2.3. Quá trình hình thành sự định hướng trong không gian của trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi

2.3.1. Nội dung dạy trẻ Mẫu giáo5 – 6 tuổi về định hướng trong không gian

Trẻ mẫu giáo lớn đã có khả năng xác định các hướng không gian cơ bản như: phía trên – phía dưới, phía trước- phía sau, phía phải- phía trái của bản thân trẻ, không gian định hướng đã được mở rộng hơn. Tuy nhiên giáo viên cần tác động để tiếp tục phát triển cho trẻ khả năng xác định vị trí của những đối tượng xung quanh so với trẻ và vị trí của bản thân tré giữa những đối tượng xung quanh, mở rộng hơn nữa không gian định hưỡng cho trẻ.

Trẻ 5-6 còn có khả năng xác định các hướng không gian cơ bản như: Phía trên – phía dưới, phía trước- phía sau của người khác.Một mặt, giáo viên cần tiếp tục phát triển hơn nữa khả năng này của trẻ, mặt khác cần dạy trẻ xác định phia phải- phía trái của người khác dựa trên sự xác định tay phải và tay trái của người đó.

Đến cuối lớp mẫu giáo lớn giáo viên cần chú ý dạy trẻ học cách xác định vị trí đồ vật này so với đồ vật khác nhằm hình thành cho trẻ kỹ năng xác định và diễn đạt bằng lời nói mối quan hệ không gian giữa các vật. Điều đó có tác dụng giúp trẻ dễ dàng sự định hướng trong không gian với việc sử dụng hệ tọa độ tự do mà chuẩn là vật bất kì.

Trong thời gian trẻ học ở lớp mẫu giáo lớn, giáo viên cafn tiếp tục phát triển cho trẻ kỹ năng định hướng trên mặt phẳng như: góc trên bên phải, góc trên bên trái, góc dưới bên phải, góc dưới bên trái. Dạy trẻ định hướng và thay đổi hướng khi di chuyển.

2.3.2. Phương pháp hình thành sự định hướng trong không gian cho trẻMG 5 – 6 tuổi

Ở lớp Mẫu giáo lớn, giáo viên cần tiếp tục củng cố cho trẻ những kỹ năng định hướng trên cơ thể mình, trên người khác và các khách thể khác. Đó là điều kiện quan trọng để trẻ thực hiện sự định hướng trong không gian khi trẻ lấy mình, người khác và vật khác làm chuẩn.

Trẻ mẫu giáo cần nắm được biện pháp phân biệt các hướng khác nhau trên cơ thể người, con vật và các đồ vật khác. Việc dạy trẻ phân tích sơ đồ không gian của các đối tượng khác nhau cần diễn ra trong quá trình trẻ tri giác trực tiếp các đối tượng đó. Tuy nhiên, một số vật xung quanh trẻ lại không có những đặc tính không gian rõ ràng, như: quả bóng, khối vuông… nên trẻ rất khó khăn khi phân tích các đặc tính này ở các vật đó. Vì vậy giáo viên không nên sử dụng các vật này làm vật chuẩn để trẻ luyện tập xác định mối quan hệ không gian giữa các vật. Việc hình thành ở trẻ kỹ năng phân tích sơ đồ không gian của các đối tượng khác nhau là rất cần thiết cho sự định hướng trong không gian khi trẻ lấy vật khác làm chuẩn và hiểu mối quan hệ không gian giữa các vật. Các kỹ năng này có thể được hình thành ở trẻ thông qua việc trẻ thực hiên các nhiệm vụ chơi trong các trò chơi học tập và các bài luyện tập.

Trẻ mẫu giáo lớn cần nắm được kỹ năng xác định phía phải- phía trái của người khác trên cơ sở xác định tay phải và tay trái của người đó: Phái phải của người là phía bên tay phải của người, phía trái của người là phía bên tay trái của người đó. Để hình thành kỹ năng này, ban đầu trẻ cần xác định tay phải và tay trái của người khác khi người đó đứng cùng hướng với trẻ, sau đó là ở các hướng bất kì bằng cách hình dung mình đứng vào vị trí và cùng hướng của người đó.

Dựa trên những kiến thức và kỹ năng đã có ở trẻ, giáo viên tiến hành cho trẻ luyện tập định hướng trong không gian khi trẻ lấy mình, người khác và vật khác làm chuẩn. Các nhiệm vụ dành cho trẻ mẫu giáo lớn cần phức tạp hơn so với các nhiệm vụ cho trẻ bé và nhỡ, như: không gian mà trẻ cần định hướng mở rộng hơn, số lượng các hướng mà trẻ cần xác định đồng thời tăng dần, số lượng các dấu hiệu của đối tượng mà trẻ cần định hướng nhiều hơn…

2.4. Đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi về định hướng trong không gian

Trẻ 5-6 tuổi thì số các thao tác thực hành định hướng của trẻ được rút bớt và dần dần trẻ dùng mắt để xác định vị trí của các vật. Nhờ vậy, không gian định hướng của trẻ ngày càng được mở rộng ra xa trẻ. Ở trẻ mẫu giáo lớn bắt đầu hình thành biểu tượng về một không gian thống nhất với sự chuyển tiếp giữa các vùng không gian. Nhờ vậy mà trẻ đã xác định được vị trí của vật đặt cách xa trẻ hay nằm ở các điểm trung gian giữa hai vùng. Trẻ mẫu giáo lớn đã bắt đầu hình thành biểu tượng về một không gian thống nhất và trẻ nhận biết được các hướng chính của nó. Như vậy, cuối tuổi mẫu giáo phần lớn trẻ đã thực hiện được sự định hướng trong không gian mà không phụ thuộc vào vị trí của bản thân trẻ, trẻ đã biết thay đổi điểm chuẩn trong quá trình định hướng.

2.5. Thực trạng hình thành sự định hướng trong không gian cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi về trường Mầm non Phúc Đồng- Hương Khê- Hà Tĩnh

+ Thuận lợi

- Được sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn của phòng giáo dục và sự quan tâm của ban giám hiệu trưởng trường Mầm non Phúc Đồng Hương Khê tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động.

- Trẻ ở cùng độ tuổi nên mức độ nhận thức tương đối đồng đều.

- Bản thân luôn tìm tòi học tập các đồng nghiệp, đã được dự giờ các hoạt động và dự thao giảng một số tiết mẫu của trường, của huyện nên cũng đã học tập được một số kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy bộ môn làm quen với toán.

- Được sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh về các phế phẩm, tạp chí, lịch cũ, dụng cụ học tập… giúp tôi có điều kiện làm một số đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho tiết học.

+ Khó khăn

- Làm quen với toán là môn học khó, đòi hỏi chính xác, khoa học nên không phải giáo viên nào cũng nắm vững.

- Trong lớp có một số trẻ chưa qua lớp mầm, chồi nên việc tiếp thu còn hạn chế, thiếu hệ thống.

- Việc tổ chức các tiết học ở lớp nhìn chung còn chưa phong phú.

- Một số trẻ khả năng thực hành về định hướng trong không gian còn hạn chế.

- Một số phụ huynh còn coi nhẹ việc học tập của con vì chỉ nghĩ các cháu đến trường mầm non chủ yếu là vui chơi và ăn ngủ và thường cho con nghỉ học tùy tiện nên ít nhiều làm ảnh hưởng tới kết quả học tập của lớp.

 III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP HÌNH THÀNH SỰ ĐỊNH HƯỚNG TRONG KHÔNG GIAN CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI

3.1. Dạy trẻ định hướng các phương hướng đối với bản thân mình thông qua các trò chơi, bài thơ

Ví dụ: Cho trẻ ngồi theo hàng ngang, chuẩn bị cho mỗi trẻ một rổ đồ chơi có các hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật và một số đồ dùng để xung quanh lớp: búp bê, thỏ, gấu

- Cô thấy lớp chúng mình đi học ngoan cô tặng mỗi bạn một rổ đồ chơi.

- Bây giờ chúng mình cùng chơi trò chơi với rổ đồ chơi này nhé!

+ Chúng mình cầm hình vuông bằng tay phải dơ lên nào!

+ Chúng mình cầm hình tròn bằng tay trái dơ lên nào! (Cô cho trẻ làm vài lần sau đó cất rổ đồ chơi đi).

- Chúng mình chơi rất giỏi, vậy bây giờ chúng mình hãy cho cô biết:

+ Ở bên tay phải con có bạn nào ngồi nhỉ?

+ Phía bên tay trái có bạn nào ngồi cạnh?

+ Chúng mình trá lời rất đúng, vậy ngoài các bạn ngồi sát cạnh mình thì chúng mình hãy quay đầu sang phía tay trái (phía tay phải) xem có những bạn nào nữa nhé?

- À vậy là phía có tay phải gọi là phía phải, phía có tay trái gọi là phía trái đấy!

- Chúng mình rất thông minh. Vậy chúng mình hãy nghe cô nói tên một số đồ vật và trả lời xem đồ vật đó ở phía bên nào của mình nhé!

- Bạn búp bê ở phía bên nào của cháu? Bạn gấu ở phía bên nào của cháu?

3.2. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trẻ

Ví dụ: Trong chủ đề “phương tiện giao thông” ở tiết dạy trẻ định hướng không gian: trên, dưới, trước, sau. Chúng tôi cho trẻ em xem tất cả các loại phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt và trò chuyện nhẹ nhàng về chúng, sau đó chúng tôi có một số hình ảnh về bầu trời có máy bay bay ra và hỏi trẻ là trên bầu trời có gì? (Máy bay). Phía dưới có gì? (Thuyền buồm) và ngược lại. Tiếp theo, chúng tôi cho một đoàn tàu ra và hỏi trẻ: phía trước toa tàu là gì?  (đầu tàu), phía sau đầu tàu có gì?(có toa tàu). Chúng tôi có hình ảnh một chiếc ô tô con ra trước tiếp theo là xe máy, xích lô và  xe đạp.

3.3. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, đồng thời tích hợp nội dung các môn học

Dạy trẻ định hướng trong không gian không những tiến hành trện tiết học mà phải tổ chức cho trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Tích hợp cho trẻ xác định hướng khác nhau.

Ví dụ: Phân nhóm một số đồ dùng, đồ chơi trong lớp

Để các đồ dùng đồ chơi ở các hướng trên, dưới các kệ và các hướng khác nhau, trẻ tìm đồ dùng đồ chơi theo yêu cầu và hỏi đồ dùng đồ chơi ở hướng nào của con hoặc một trẻ tìm hỏi trẻ khác đồ dùng đồ chơi đó ở hướng nào của bạn. Sau khi tìm các đồ dùng đồ chơi theo yêu cầu và đủ để phân nhóm các đồ vật, cô vào bài mới dạy tìm hiểu môi trường.

Hoặc có thể tích hợp sau khi học bằng trò chơi củng cố “Hãy sắp xếp các đồ dùng đồ chơi theo nhóm và theo các hướng khác nhau đối với bản thân mình” như: nhóm đồ dùng để học tập ở bên phải, đồ dùng vệ sinh cá nhân bên trái, đồ chơi ở trước mặt… và nâng cao yêu cầu sắp xếp các nhóm đồ dùng đồ chơi theo các hướng đối với người khác: một trẻ lên đứng và trẻ khác lên sắp xếp các nhóm đồ dùng theo các hướng của bạn.

(Hoặc ta có thể áp dụng trò chơi này vào tiết học “Phân nhóm đồ dùng trong gia đình: đồ dùng để ăn, đồ dùng để uống, đồ dùng để mặc, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng giải trí… và cách chơi tương tự ví dụ như đồ dùng để mặc thì nón đội phía trên đầu, dép đi phía dưới chân…).

IV. KẾT LUẬN

Việc đưa phương pháp định hướng trong không gian cho trẻ vào bậc học Mầm non là một phương pháp vô cùng hữu hiệu nhưng dường như vấn đề này vẫn chưa được quan tâm, đầu tư một cách triệt để và toàn diện. Đặc biệt đối với trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi thì phương pháp định hướng trong không gian trong toán học thật sự rất quan trọng. Nội dung dạy trẻ định hướng trong không gian có một ý nghĩa lớn để góp phần hình thành nhân cách con người mới, nó góp phần giúp trẻ sau này nắm bắt nhanh hơn, sâu sắc hơn các khái niệm về định hướng trong không gian trong việc học toán ở trường phổ thông.

Qua quá trình đưa một số biện pháp định hướng trong không gian cho trẻ Mầm non 5-6 tuổi ở trường Mầm non Phúc Đồng- Hương Khê- Hà Tĩnh. Tôi nhận thấy được mức độ hiệu quả của biện pháp này, trẻ thật sự hứng thú tích cực vào tất cả các hoạt động diễn ra tại lớp, từ sinh hoạt, vui chơi, học tập. Khả năng tìm tòi, quan sát so sánh của trẻ được tốt hơn thông qua các hoạt động làm quen với Toán.

Như vậy, trong quá trình dạy trẻ làm quen với toán để giúp trẻ nhận thức sâu sắc, hiểu rõ các biểu tượng trên, việc đầu tiên không thể thiếu được đó là truyền thụ kiến thức của giáo viên đến trẻ. Giáo viên cần phải nghiên cứu, tìm tòi để truyền tải những nội dung cần mang đến cho trẻ sao cho trẻ cảm thấy đơn giản, gần gũi mà lại dễ hiểu như vậy giờ học mới có hiệu quả. Đặc biệt “Dạy trẻ định hướng không gian” là một vấn đề chúng tôi luôn quan tâm, suy nghĩ nhiều để tìm ra được những biện pháp tốt nhất để dạy trẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • 1]. Đỗ Thị Minh Liên (2018), Lí luận và phương pháp hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ Mầm non, Nxb ĐH Sư phạm.
  • 2]. Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt (1979), Giáo dục học tập 1, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam.

[3]. Đinh Thị Nhung (2000), Toán và phương pháp hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mẫu giáo, NXB ĐHQG Hà Nội.

  • 4]. Nguyễn Ánh Tuyết (1998), Tâm lý học trẻ em trước tuổi học, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  • 5]. Leusina. A. M (1964), Dạy đếm, Nxb Giáo dục Matxcova.
  • 6]. Leusina. A. M (1974), Hình thành các biểu tượng Toán học sơ đẳng cho trẻ lứa tuổi mầm non, Nxb Giáo dục Matxcova.      
  • 7]. Vengher. L. A (1969),Trò chơi học tập giáo dục tính cảm nhận, Nxb Giáo dục Matxcova.