foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nguời còn là nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước. Sự nghiệp văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, bút ký, tiểu phẩm, bút chiến, nghị luận chính trị, lời kêu gọi, thư từ, thơ ca, kịch bản sân khấu, phê bình nghệ thuật… Trong các tác phẩm ấy, có bài viết về tiếng khóc của một cháu bé trong nhà lao Tân Dương (Nhật Kí trong tù), đặc biệt bài ca về lứa tuổi (Trẻ chăn trâu). Thời kháng chiến chống Pháp, người có thơ “Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II”, Tặng cháu và thường có thơ và thư gửi các em thiếu niên trong cả nước nhân dịp tết Trung thu hoặc ngày Thiếu nhi Quốc tế 1/6.

C Nga 25 10 1

           Bên cạnh các tác phẩm viết trực tiếp về thiếu nhi, nhiều tác phẩm của người đã trở thành các sáng tác được tuổi nhỏ yêu thích như: nhiều truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc (Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu…), nhiều bài thơ trong Nhật kí trong tù (Ngắm trăng, không ngủ được, Nhớ bạn, Hoàng hôn…), nhiều bài thơ Bác viết sau ngày về nước (Hòn đá, Con cáo và tổ ong, Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Nhớ chiến sĩ, Đối trăng…). Cả hai loại tác phẩm trên hợp thành bộ phận văn học thiếu nhi trong sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. Các sáng tác về thiếu nhi của Người luôn thể hiện tình thương yêu bao la rộng lớn đối với các cháu. Đó là sự trân trọng đối với tuổi nhỏ.

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

C Nga 25 10 2

          Đó là sự cảm thương uất hận khi Bác nói đến thân phận nô lệ, khổ đau của các em nhỏ sống trong chế độ thực dân phong kiến. Giọng văn của Người đã rung lên đau đớn khi nói đến cảnh “em bé bị lột trần truồng”, “những em bé mồ côi” vì bố mẹ bị bọn thực dân Pháp đàn áp, giết hại trong Bản án chế độ thực dân Pháp. Tiếng thơ của người dường như cũng nức nở theo tiếng khóc của một em bé Trung Quốc trong nhà lao Tân Dương:

Oa…! oa…!...oa…!

Cha trốn không đi lính nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

          Người xót xa nói đến những nỗi cơ cực của trẻ em trong cảnh “Vận nước gian nan”:

- Học hành giáo dục đã không

Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa

- Có khi lìa mẹ, lìa cha

Để làm tôi tớ người ta bên ngoài.

          Trong nỗi đau sâu thẳm tâm hồn Hồ Chí Minh vì cảnh nước mất có nỗi đau trước cảnh tuổi nhỏ bị đoạ đày đau đớn.

 Tình thương của Bác dành cho các em giống như tình thương của một người ông đối với đàn cháu nhỏ. Từ sau ngày nước nhà được độc lập, Bác Hồ luôn dành cho các cháu một sự ưu ái đặc biệt. Tết trung thu nào Bác cũng có thư và thơ gửi các cháu. Mỗi dòng, mỗi chữ trong đó đều thấm đượm tình thuơng yêu vô bờ bến:

  Ai yêu các cháu nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh.

          Vì thế, năm nào cũng vậy:

Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.

          Đó là những dòng tâm sự của một người ruột thịt đối với những người ruột thịt, không hề có khoảng cách giữa những người đứng đầu nhà nước với những công dân bé nhỏ nữa.

          Trung thu năm 1945, Bác viết:

          “Trăng trung thu trong đẹp, sáng rội khắp nơi từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam (…) lần này Bác bận việc quá, không rảnh làm thơ gửi cho các cháu, Bác chỉ chúc cho các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành…

Đến ngày Nam Bắc một nhà

Các cháu sum họp thì ta vui lòng”.

          Bác Hồ đã cùng với Nhà nước ta tạo mọi điều kiện chăm sóc tuổi thơ, coi các cháu “là bầy con cưng” của từng gia đình, từng địa phuơng và toàn đất nước. Đáp lại, các cháu thiếu niên nhi đồng lại hát vang:

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh

Hơn chúng em nhi đồng?

          Các cháu thiếu nhi đã không phụ lòng Bác, cố gắng phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, trong bài thơ Cháu thề phấn đấu suốt đời Trần đăng khoa đã viết:

Bác cho chúng cháu mai sau

Núi sông bất khuất mạnh giàu thắm tươi,

Cháu thề phấn đấu suốt đời

Như lời Bác dạy, nên người Bác mong.

2. Yêu thương quí mến các em nhưng Bác cũng trân trọng tuổi nhỏ. Bác luôn bày tỏ sự tin tưởng của người đối với các em. Người khơi dậy những khả năng dù nhỏ bé của các em, đánh giá cao những đóng góp dù còn ít ỏi của các cháu. Bác luôn dặn dò, dạy bảo các cháu bằng những lời đúc kết ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc;

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình

          Bác dùng thơ văn như một phương tiện tuyên truyền giáo dục, động viên các em. Năm 1941, Bác viết hai bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” và “Trẻ chăn trâu” nhằm phân tích cho các em thấy nỗi nhục mất nước, giáo dục các em lòng yêu nước, căm thù giặc, kêu gọi các em tham gia Hội nhi đồng cứu quốc. Lúc này, thơ ca được Bác sử dụng như một thứ vũ khí tuyên truyền, vận động cách mạng, với lối viết giản dị, dễ hiểu Bác đã chỉ ra nguyên nhân nỗi khổ của trẻ em…; Bác kêu gọi các em đóng sức mình vào sự nghiệp cách mạng…; Người chỉ ra rằng chỉ có con đường gia nhập Hội nhi đồng cứu quốc mới là con đường đúng đắn nhất để các em lựa chọn…

          Năm 1945 Bác viết rất nhiều thư gửi cho các cháu, trong thư, Bác đặt các em vào địa vị của những chủ nhân xã hội mới, giúp các em hiểu rõ hơn quyền lợi, niềm tự hào của người dân một nước độc lập, tự do, đồng thời giúp các em ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh mới. Ngày nay không trường học nào, không một học sinh chăm ngoan nào không khắc sâu lời nói của Bác “Non sông Việt Nam có được  vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu  được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”. (Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường 1945).

C Nga 25 10 3

          Năm điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên nhi đồng được các em thuộc và đọc vang trước mỗi buổi học, Năm điều Bác Hồ dạy đã tạo ra những phong trào thi đua sôi nổi rộng lớn, liên tục trong các thế hệ thiếu nhi với nhiều hình thức phong phú: Phong trào nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ, Hợp tác xã măng non, Nuôi trâu bò khỏe, Vì Miền Nam ruột thịt… Bác còn viết thư, làm thơ động viên khuyến khích các em mỗi khi các em lập được chiến công hoặc truyền cho các em niềm tin vào tương lai của cuộc kháng chiến chống Pháp:

Khắp nơi Nam Bắc, Tây, Đông,

Đưa tin thắng trận, cờ hồng tung bay

Các cháu vui thay!

Bác cũng vui thay!

                   Thu Sau so với thu này vui hơn

                             (Thư Trung thu năm 1953)

           Ngoài những nội dung trên, những nội dung khác của thơ văn Bác như lòng thương người, tình yêu thiên nhiên, nghị lực và khí phách kiên cường, niềm lạc quan tin tưởng, ước mơ lãng mạn cách mạng, đều là những nội dung có ảnh  hưởng sâu sắc đến tuổi nhỏ.

3. Thơ, văn của Hồ Chí Minh viết cho thiếu nhi luôn thể hiện tinh thần lạc quan và phong thái bình dị

          Viết cho thiếu nhi bao giờ Người cũng thể hiện tinh thần lạc quan, hướng về một cuộc sống tốt đẹp. Ngòi bút của Người luôn đậm chất trữ tình, hai chữ thương yêu luôn xuất hiện trong từng bài thơ, bài văn. Đọc thơ Người ta bắt gặp phong thái của Người luôn luôn nắm bắt được quy luật của cuộc sống, của thời cuộc, luôn làm chủ mọi tình thế.

Vì cũng nằm trong mạch thơ văn của Bác, các sáng tác về thiếu nhi và cho thiếu nhi cũng mang những đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Người.

Đó là lối viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị phù hợp với cách suy nghĩ, cảm nhận của các cháu. Lối viết ấy là biểu hiện cụ thể của những xúc động chân thành, của những tình cảm yêu thương sâu sắc. Cùng với sự trong sáng, giản dị là sự sáng tạo linh hoạt, hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ. Trong những bức thư gửi các cháu viết bằng văn xuôi, Bác xen vào những câu văn vần, đoạn thơ. Bác thường sử dụng tư duy cụ thể, hình tượng để diễn đạt ý tưởng, giúp các cháu hiểu tốt hơn những điều Người muốn nói.

4. Kết luận

          Không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người ông kính yêu của các cháu thiếu nhi, Bác Hồ còn là một trong những tác giả đầu tiên của nền văn học cách mạng quan tâm đến việc viết cho thiếu nhi và Bác đã dành thời gian, tình cảm thật sự cho công việc này. Văn thơ của Người viết cho các em không nhiều lắm, nhưng mỗi câu, mỗi bài đều toát lên sự lo lắng chăm sóc yêu thương của Bác đối với lứa tuổi măng non. Mỗi bài văn, bài thơ của Bác là một bài học dạy làm người. Những bài học ấy cùng với cuộc đời của Bác như trăng rằm muôn đời sáng mãi, mãi mãi là kim chỉ nam cho sự vươn lên của các thế hệ măng non Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Cao Đức Tiến (Chủ biên) - Dương Thị Hương, Giáo trình Văn học, NXBGD, NXB ĐHSP, năm 2007

[2]. Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nguyễn An, Chu Huy, Hồ Chí Minh, Tác gia-Tác phẩm-Nghệ thuật ngôn từ, NXBGD, năm 2003

[3]. Thư trung thu (Cao Đức Tiến (Chủ biên) - Cánh diều, Tiếng việt lớp 2 tập 2 trang 118,119,120)