foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

Thực hiện theo kế hoạch của Trường Đại học Hà Tĩnh năm 2014, từ ngày 17-23/7/2014 Đoàn cán bộ trường Đại học Hà Tĩnh do ThS. Lê Thị Hường - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng đoàn đã sang thăm, làm việc với 5 tỉnh ở miền Nam nước CHDCND Lào. 

Rời cửa khẩu Chalo, vượt qua hơn 400km, Thị xã Cayxỏn Phômvihản tỉnh Savẳnnakhệt là điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi. Ngày tiếp theo, sau buổi làm việc với Sở Giáo dục - Thể thao (GD-TT) tỉnh Savẳnnakhệt, xe lại chuyển bánh chở đoàn đi về Thị xã Pắc Xếtỉnh Chămpasắc. Rồi những ngày sau đó cũng vậy, cứ làm việc xong ở tỉnh này là chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh SếKông, Salavăn và điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là Thị xã Thà Khẹc tỉnh Khăm Muồn. Nỗi vất vả sau những hành trình dài mệt mỏi dường như được xua tan bởi sự đón tiếp ấm áp, chân thành của các đồng chí trong Sở Ngoại giao, Sở Giáo dục - Thể thao (GD-TT) cùng một số hiệu trưởng trường THPT của các tỉnh đó, đặc biệt là sư quan tâm, đón tiếp hết sức chân tình, ấm áp như là những người trong một gia đình của một số phụ huynh ở tỉnh Chămpasắc.

Trong những buổi làm việc với các Sở GD-TT, Sở Ngoại giao của tỉnh Savẳnnakhệt, Chămpasắc, Salavăn, Khăm Muồn – những tỉnh đã có nhiều lưu HS tại Trường Đại học Hà Tĩnh, bà Lê Thị Hường - Trưởng đoàn đã báo cáo về tình hình học tập của các lưu HS; giới thiệu về trường, những thế mạnh của trường, đặc biệt là đào tạo tiếng Việt, các khoa đào tạo chuyên ngành, các bậc và hệ đào tạo. Thông qua buổi làm việc, đoàn đã giúp các cán bộ của Sở GD-TT và Hiệu trưởng các trường THPT hiểu rõ hơn về Trường Đại học Hà Tĩnh. Những điều quan tâm, thắc mắc của các thầy, cô giáo được đoàn trả lời đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các Thầy cô có thể hỗ trợ các em học sinh của mình trong quá trình định hướng và lựa chọn ngành học và nghề nghiệp phù hợp với bản thân trong tương lai khi sang tham gia học đại hoc.

Gặp gỡ và làm việc tại tỉnh Chămpasắc

Gặp gỡ và làm việc tại tỉnh Chămpasắc

Gặp gỡ và làm việc tại tỉnh Khăm Muồn

Gặp gỡ và làm việc tại tỉnh Khăm Muồn

Đặc biệt hơn, năm nay là năm đầu tiên Trường Đại học Hà Tĩnh đến làm việc ở tỉnh Sế Kông. Mặc dù là tỉnh nhỏ, miền núi, kinh tế khó khăn (chỉ có 4 huyện được tách ra từ tỉnh Salavăn) nhưng tình người ở đây thật là bao la rộng lớn. Chúng tôi đến Sế Kông khi trời đã nhá nhem tối nhưng thật vô cùng hạnh phúc khi được hai vị Giám đốc Sở Ngoại giao và Sở GD-TT của Tỉnh đón tiếp đoàn hết sức nồng ấm. Sáng hôm sau đoàn đến chào cán bộ Tỉnh, tại đây đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh đã tiếp đoàn và giới thiệu về tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Sế Kông với chúng tôi. Sau đó là buổi làm việc hết sức cởi mở, thân thiện giữa các cán bộ Sở Ngoại giao, Sở GD-TT và một số Hiệu trưởng các trường THPT trong tỉnh. ThS. Lê Thị Hường đã cùng với Giám đốc Sở GD-TT tỉnh Sế Kông ký Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Hà Tĩnh với Sở GD-TT tỉnh Sế Kông và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh của tỉnh khi sang tham gia học ở Trường Đại học Hà Tĩnh.

Kí biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại hoc Hà Tĩnh với Sở GD-TT tỉnh Sế Kông

Kí biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại hoc Hà Tĩnh với Sở GD-TT tỉnh Sế Kông

Đến đất nước Lào, chúng tôi vô cùng ấn tượng và bị cuốn hút bởi sự thanh bình, cổ kính ở đây với những người dân hiền hòa chất phác mặc dù đất nước Lào còn nghèo, không hiện đại, náo nhiệt, hào nhoáng. Chúng tôi như tìm lại được sự tĩnh lặng, bình yên trong tâm hồn và quên đi mọi lo toan, tất bật trong cuộc sống, mọi thứ như thanh thản và chậm rãi hơn rất nhiều. Ở đây, có một không gian yên bình đến lạ thường, rất tĩnh mịch và sâu lắng. Không có một tiếng còi xe khi tham gia giao thông, không có những lời to tiếng, tranh giành cãi nhau trong các quán ăn, ở chợ hay các địa điểm công cộng. Hơn thế nữa, trong những ngày ở Lào tôi cảm nhận được người Lào rất yêu quý người Việt Nam, rất nhiều người Lào nói được tiếng Việt thành thạo và biết nhiều về Việt Nam. Một điều vô cùng đặc biệt là hầu hết các khách sạn, nhà hàng và những nhà dân mà chúng tôi ghé thăm đều treo ảnh Bác Hồ một cách trang trọng cùng nhiều hình ảnh lưu niệm các cuộc viếng thăm của cán bộ giữa hai nước, hình ảnh chụp bộ đội Việt Nam và Lào, những tấm bản đồ thời chiến tranh, … Tất cả đó là những biểu hiện sinh động cho tình cảm của những người bạn Lào đối với Việt Nam. Lòng tôi lâng lâng cảm giác hạnh phúc và tự hào, hạnh phúc vì đất nước mình có một người bạn chí tình, tự hào bởi cha anh đi trước xây đắp nên một hình ảnh Việt Nam giàu tinh thần quốc tế vô sản trong sáng để chúng ta làm hành trang vững bước trên con đường đi tới tương lai và càng thấm thía hơn câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về tình hữu nghị Việt - Lào mà khi còn là học sinh tôi rất thích:

“Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Đêm chia tay giã bạn, các cán bộ đoàn công tác của Trường Đại học Hà Tĩnh và những người bạn Lào ở tỉnh Khăm Muồn cùng say mê hòa trong điệu múa lăm vông.Chúng tôi như được thư giản sau nhiều ngày vất vả vượt qua hàng ngàn cây số, khi thưởng thức những bài hát và những điệu múa thắm tình hữu nghị Việt - Lào bên dòng sông Mêkông thơ mộng cùng với những làn gió dịu dàng, mát rượi từ dòng Mê Kông đang mùa con nước.

Đây thực sự là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Chúng tôi thấy yêu hơn về đất nước, con người nơi đây và thật tự hào về mối tình hữu nghị Việt - Lào thủy chung, son sắt. Hy vọng và tin tưởng rằng Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tiếp nhận nhiều lưu HS Lào hơn nữa trong thời gian tới góp phần phát huy, tô thắm thêm mối tình truyền thống tốt đẹp của hai Đảng, hai Nhà nước về hợp tác giáo dục trong điều kiện mới, để cho tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.