Thực hiện công văn số 481/ĐHSPHN ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về việc tổ chức Hội thảo - Tập huấn chuyên môn về Kiểm tra đánh giá trong giáo dục cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các khoa sư phạm trong cả nước, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cử đoàn gồm 07 giảng viên thuộc các khoa sư phạm tham dự.
Hội thảo - tập huấn diễn ra từ ngày 21-24/5/2014 tại Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế, nhằm trang bị kiến thức và những xu hướng mới về kiểm tra đánh giá trong giáo dục cho giảng viên ở các trường và các khoa sư phạm; tăng cường năng lực kiểm tra đánh giá cho giảng viên theo định hướng đánh giá năng lực học sinh; từng bước đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực, để tác động trở lại việc đổi mới dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Hội thảo - Tập huấn đã nghe PGS. TS Ngô Kim Khôi - Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Chương trình READ Việt Nam phát biểu khai mạc, giới thiệu tóm tắt về chương trình READ và mục tiêu của khóa tập huấn. Các báo cáo viên: PGS. TS Nguyễn Công Khanh, PGS. TS Lê Đức Ngọc là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giới thiệu mục tiêu, nội dung tài liệu tập huấn. Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã đến dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo, và lắng nghe các ý kiến phản ánh của giảng viên các trường đại học, cao đẳng về những khó khăn thuận lợi trong việc thực hiện kiểm tra đánh giá trong giáo dục hiện nay.
Thảo luận tại hội trường về nội dung kiểm tra đánh giá trong giáo dục, về đánh giá các năng lực của người học, Đoàn Trường Đại học Hà Tĩnh đã cử giảng viên Nguyễn Thị Việt lên trình bày báo cáo về “Đánh giá năng tự học của học sinh”, báo cáo này đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, khen ngợi của các giảng viên.
Nội dung Hội thảo - Tập huấn đợt này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các giảng viên các trường đại học, cao đẳng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của kiểm tra đánh giá trong giáo dục. Các giảng viên tham gia tập huấn về trường sẽ có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt nội dung của đợt tập huấn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.