PGS. TS. Lê Quốc Hán được biết đến không chỉ là một nhà Toán học, một nhà giáo ưu tú mà hơn hết còn là một nhà thơ, một con người vượt qua mọi rào cản cuộc sống để thành công.
Cái sự học của Thầy đầy cam go, trước khi về Đại học Vinh làm trợ giảng rồi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, và chẳng bao lâu nhận học hàm PGS. Thầy đã từng cày ruộng, đi làm gia sư, từng theo học ngành sư phạm, về dạy cấp hai một trường làng nhiều năm. Nhưng dù ở cương vị nào thầy cũng luôn cố gắng sáng tạo, cố gắng vươn lên và luôn tận tâm với nghề, vì thế thầy luôn hoàn thành tốt mọi việc, được học trò và đồng nghiệp quí mến.
Thầy kể vào những năm 1965 – 1967, khi đất nước còn đang chiến tranh ác liệt, thầy mới học lớp 7 nhưng đã xuất sắc, thi ba năm liền đạt giải nhất học sinh giỏi toán toàn miền Bắc và giải Toán học tuổi trẻ.
Đầu lớp 8 thi vào lớp chuyên toán tỉnh Hà Tĩnh đạt điểm cao nhất (15,5/20) và cuối năm ấy thi vào lớp chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vượt điểm tối đa (20,5/20). Nhưng oái oăm thay, khi cả hai trường đều có giấy nhập học thì thầy chẳng khác gì chiếc xe ôtô bị "kẹt nhíp".
Thầy không cắt được giấy tờ hộ khẩu, bố Thầy lủi thủi lên uỷ ban nhân dân xã xin cho con được theo học để khỏi thua bạn kém bầu, thì được họ đáp lại bằng cái nhìn lạnh lùng vô cảm và lời giải thích: Lý lịch không rõ ràng, nên địa phương phải gác lại.
PGS. TS. Lê Quốc Hán trong buổi gặp gỡ, giao lưu với GV và SV Khoa SPTN và Khoa Tiểu học – Mầm non
Không được vào học Trường Năng khiếu, bố mẹ thầy mặc dầu có hơi buồn, nhưng thầy vẫn hồn nhiên vui vẻ tiếp tục học trường phổ thông cấp 3 huyện Kỳ Anh. Ba năm học cấp ba, các thầy giáo chủ nhiệm và thầy giáo bộ môn của Thầy đều thán phục năng lực học của Thầy, bởi môn nào cậu học trò Hán cũng đạt điểm cao và được công nhận học sinh tiên tiến xuất sắc của trường. Năm học lớp 10, Thầy được dự thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh hai môn Văn và Toán, dù vẫn hy vọng giành giải nhất hoặc giải nhì cả hai môn này, nhưng chính quyền địa phương lại gửi đơn kiện lên Ty Giáo dục Hà Tĩnh "dựng khống" gia đình thầy đủ chuyện, buộc hội đồng thi phải gác lại không chấm bài thi của thầy.
Tốt nghiệp phổ thông, một học sinh tài năng nhưng lại không vào nổi cổng trường đại học, bởi thầy không vượt được "bức tường" của chính quyền địa phương lúc đó. Do sự đố kỵ hẹp hòi và bảo lưu quan điểm là "con cháu địa chủ, cường hào".
Vào tháng 12 năm 1968, thầy có giấy gọi nhập ngũ, nhưng vào đơn vị mới hơn 1 tháng thì phải quay về nhà vì thuộc diện thấp thước, nhẹ cân (nặng 39kg). Cảnh nhà nghèo túng, thiếu ăn thường xuyên, nhưng vừa làm ruộng, Thầy vừa tranh thủ tự học chương trình toán đại học năm thứ nhất (theo hệ sư phạm), vừa đọc tiếp các tác phẩm trứ danh của nước ngoài và văn học cổ điển trong nước.
Trong lúc này, Hợp tác xã nông nghiệp Liên Châu (Kỳ Châu) biết thầy giỏi toán, nên điều lên làm kế toán. Mặc dầu chưa được tập huấn một ngày về nghiệp vụ này, nhưng nhờ thông minh nên chỉ một thời gian ngắn, Thầy đã tạo được uy tín lớn.
Năm 1968 - 1969, do tình hình khủng hoảng thiếu giáo viên ở các trường học cơ sở, Ty Giáo dục Hà Tĩnh xin Bộ Giáo dục mở 2 lớp trung cấp Sư phạm 10+1. Thầy tha thiết được vào học "lớp cấp tốc" này, bởi cứ cày ruộng mãi, thời gian sẽ phí đi rất nhiều. Khó khăn chật vật lắm, lần này họ mới làm thủ tục cắt hộ khẩu để Thầy đi học.
Sau khi tốt nghiệp lớp 10+1, trường sơ cấp Sư phạm Hà Tĩnh (bây giờ phát triển thành trường Đại học Hà Tĩnh), Thầy về dạy tại một trường phổ thông cấp II trong huyện Kỳ Anh. Từ một học sinh giỏi nổi tiếng và khi bước vào nghiệp cầm phấn, Thầy lại trở thành một giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 10 năm 1974, Thầy được Báo Toán học tuổi trẻ mời đi dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo, Thầy được gặp Giáo sư Lê Văn Thiêm, qua trò chuyện, giáo sư càng thấu hiểu thêm những rào cản vô lý. Thế rồi, lá thư tay đầy trách nhiệm "đề nghị tỉnh quan tâm giúp đỡ để học tiếp chương trình đại học" của vị Viện trưởng Viện Toán học đã đến với ông Nguyễn Tiến Chương - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh lúc bấy giờ.
Ông Chương lấy làm ngạc nhiên, bởi ông cứ đinh ninh là thầy đã tốt nghiệp đại học lâu rồi. Ông Chương xuống trực tiếp làm việc với huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Châu, lúc này những oan khuất của gia đình Thầy mới được giải mã. Chính bố đẻ của thầy không tham gia "hoạt động cho địch" như tin đồn thất thiệt, mà Ông lại là cán bộ kháng chiến chống Pháp cũ.
Tháng 12 năm 1976, Thầy cảm thấy hạnh phúc nhất đời khi được bước vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Học xong đại học và cao học, thầy được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1991 trường Đại học Sư phạm Vinh mở khóa đào tạo nghiên cứu sinh đầu tiên, Thầy là một trong số những người thi đậu và chọn một đề tài nghiên cứu thuộc bộ môn Toán học hiện đại, là một lĩnh vực rất trừu tượng mà không phải nhà toán học nào cũng muốn tiếp cận. Cuối năm 1995, Thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đó là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của một phó giáo sư. Cuối cùng thì ước mơ nghiên cứu Toán học đã được thực hiện với những thành công không ngờ tới, song bên cạnh đó, “để tìm sự cân bằng cho cuộc sống của mình”, Thầy vẫn không quên dành một góc cho thơ. Theo Thầy, toán học là sản phẩm của trí tuệ, thi ca là sản phẩm của tâm hồn; “một người dù thông thái đến đâu, nếu không có một trái tim biết xúc cảm mãnh liệt không thể trở thành một nhà toán học đích thực, và một người dù có tâm hồn nhạy cảm đa tình đến đâu nếu không có trí tuệ dẫn đường cũng khó trở thành một nhà thơ lớn”. Năm 1996 Thầy được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An, và đến năm 2002 được vào Hội Nhà văn Việt Nam. Các tập thơ lần lượt được xuất bản, giống như những món quà Thầy tặng chính bản thân mình và tặng cuộc đời đã dành cho Thầy nhiều ưu đãi. Sau đó, nhờ miệt mài nghiên cứu toán học và chọn những đề tài liên quan đến tin học với mục đích phục vụ cuộc sống một cách thiết thực ở cái thời đại mà tin học và mạng internet thâm nhập sâu sắc đến cuộc sống con người. Thầy được phong tặng hàm Phó Giáo sư toán học năm 2003 và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.
Thầy trao đổi kinh nghiệm dạy học và cuộc sống
Được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Thầy tập thể giảng viên và Khoa Sư phạm Tự nhiên cùng với Khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non đã thấm nhuần được phẩm chất nhà giáo cũng như biết được nhiều phương pháp học tập, nghiên cứu của thầy. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề thắc mắc của cả giảng viên và sinh viên được thầy giải đáp cặn kẽ.
Không chỉ truyền thụ cách học, cách nghiên cứu và giải đáp các thắc mắc, Thầy còn so sánh cuộc sống của các thế hệ đi trước và thế hệ bây giờ, để giảng viên và sinh viên hiểu được sự vất vả của các thế hệ thầy cô đi trước, từ đó mà nêu gương cố gắng hơn nữa trong điều kiện tốt như bây giờ.
Thầy giải đáp các vấn đề của giảng viên và sinh viên
Thầy cũng động viên, khuyên các sinh viên là thế hệ các giáo viên tương lai của đất nước cần phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau dồi trí tuệ, không bao giờ ngại khó khăn, rụt rè với rào cản để tự khẳng định mình và góp phần vào xây dựng tổ quốc.
Buổi giao lưu, gặp gỡ với Thầy làm cho giảng viên và sinh viên hai khoa thực sự xúc động trước những tình cảm chân thành mà thầy dành cho. Qua đây cũng làm cho chúng tôi tăng thêm niềm say mê toán học, biết mình phải cố gắng hơn nữa và từ đó giúp chúng tôi trưởng thành hơn, tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.
Thầy cùng tập thể giáo viên và sinh viên hai khoa chụp ảnh lưu niệm