Nấm ăn là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều protein, cũng như các axit amin, khoáng, vitamin quan trọng. Ngoài ra, nấm ăn còn được dùng để chữa trị một số bệnh như: giảm cholesterol trong máu, điều hòa huyết áp, thiếu máu, ung thư.
Nấm ăn được xem là một loại rau cao cấp, “rau sạch”, được sử dụng ngày càng rộng rãi và phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Ngoài những đặc điểm ưu việt của nấm ăn về dinh dưỡng, việc trồng nấm còn mang lại những hiệu quả cao về kinh tế, là một trong những hướng phát triển của công nghệ sinh học. Hiện nay, người dân ngày càng hiểu rõ hơn về giá trị dinh dưỡng cao của nấm ăn hay nấm dược liệu nên rất cần những trung tâm cung cấp uy tín và chất lượng. Thực hiện mục tiêu đó nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Hà Tĩnh đã tiến hành xây dựng thí điểm mô hình trồng nấm dược liệu và nấm ăn tại Trường Đại học Hà Tĩnh.
Mô hình trồng nấm dược liệu - Linh chi đỏ tại Trường Đại học Hà Tĩnh
Với quy mô hơn 100m2 gồm các phòng như phòng ươm, phòng cấy và phòng nuôi trồng, nấm Linh chi đỏ và nấm bào ngư (nấm sò trắng) được đưa vào nuôi trồng từ tháng 12/2014, cùng với đó nhóm nghiên cứu cũng sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng như lò hơi, hệ thống hấp sấy bịch… xây dựng mô hình giá treo hơn 500 bịch nấm sò trắng và hàng trăm bịch nấm linh chi cùng hệ thống tưới tự động đạt tiêu chuẩn, đến nay bước đầu nhóm đạt kết quả khả quan như nấm linh chi đỏ đạt tới kích thước quả thể trung bình 6.5cm và năng suất đạt 300g/bịch sau hai lần thu hái, năng suất nấm sò trắng cho thu hoạch 500g/bịch tương đương với 1,5 kg sau ba lần thu hái.
Mô hình trồng nấm Bào Ngư (nấm Sò Trắng) tại Trường Đại học Hà Tĩnh
Bên cạnh việc nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu nhóm nghiên cứu cũng phát triển thêm mô hình tái sử dụng bã nuôi trồng nấm để sản xuất phân vi sinh bằng chế phẩm Trichodema phục vụ chăm bón cho vườn cây với hàng nghìn cây xanh trong khuôn viên trường Trường Đại học Hà Tĩnh với diện tích 80 ha.
Mô hình tái sử dụng bã nuôi trồng nấm để sản xuất phân vi sinh bằng chế phẩm Trichoderma phục vụ chăm bón vườn cây
Với thành quả bước đầu này hi vọng trong thời gian sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ phát triển và nhân rộng mô hình này để Trường Đại học Hà Tĩnh không chỉ được biết đến với trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu của Tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy cung cấp các sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân trong đó nấm là sản phẩm chủ lực.