foto1 foto2 foto3 foto4 foto5


+84 0393.885.127
khoasp@htu.edu.vn

Khoa Sư phạm

Trường Đại học Hà Tĩnh

1. Văn bản mang trong nó những thông tin khác nhau để thực hiện chức năng giao tiếp. Các loại hình văn bản thuộc những phong cách chức năng khác nhau, sẽ có những đặc trưng riêng trong việc tạo lập và truyền tải thông tin. Các loại văn bản như: văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản báo chí… nội dung giao tiếp được biểu đạt một cách tường minh, ý định giao tiếp được truyền tải rõ ràng. Văn bản nghệ thuật là loại hình văn bản có tính đặc thù, từ cách tạo lập đến cách tiếp nhận, khám phá nội dung. Khác với các loại văn bản vừa nêu, nội dung của văn bản thuộc phong cách nghệ thuật được “ẩn chứa” sau những hình ảnh, hình tượng, cấu trúc…

Để lĩnh hội nội dung văn bản nghệ thuật, người tiếp  nhận phải “giải mã hệ thống tín hiệu thứ nhất”, “tín hiệu nghệ thuật” và “chuyển mã” hệ thống tín hiệu đó bằng tín “hiệu thứ hai”, tín hiệu thứ hai chính là nội dung giao tiếp của văn bản. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày vai trò của “từ khóa” trong việc khám phá nội dung văn bản nghệ thuật.

2. Chúng ta biết rằng, tác phẩm văn học là một hình thức giao tiếp đặc biệt, ở đó những tâm tình, ý định, thông điệp của tác giả được gửi gắm sau lớp từ ngữ mang tính hình tượng - cảm xúc.

Với người tạo lập văn bản, việc lựa chọn được những hình ảnh, hình tượng phù hợp để mang thông điệp cần giao tiếp sẽ quyết định sự thành công của một tác phẩm. Hình tượng càng độc đáo thì hiệu quả truyền thông điệp càng cao, nó tạo ra phong cách riêng cho từng tác giả. Hình tượng ở các loại hình văn học có những điểm khác nhau. Trong thơ ca dân gian,  những hình ảnh mộc mạc, gần gũi với đời sống được các tác giả ưu tiên lựa chọn. Những hình ảnh như: thuyền, bến, cây đa, giếng nước, mái đình, mận, đào, tấm lụa, cái yếm đào,…được sử dụng phổ biến. Với văn học viết, các hình ảnh, hình tượng được các tác giả sáng tạo phong phú hơn, phản ánh nhiều chiều kích về cuộc sống, tâm hồn của con người.

Về phía người tiếp nhận, để hiểu được nội dung của văn bản nghệ thuật, thì năng lực giải mã các hình ảnh, hình tượng là yếu tố quyết định. Do vậy, việc rèn luyện khả năng phản xạ khi tiếp xúc với các hình tượng văn học là chìa khóa để phân tích tác phẩm.

Có nhiều cách thức để người đọc có được phản xạ phù hợp khi tiếp nhận một tác phẩm thi ca, nhưng dù là cách thức nào thì mục đích cuối cùng vẫn là đưa ra được một “phán đoán” có sức thuyết phục về nội dung của tác phẩm. Chúng tôi nhận thấy, cách thức khám phá nội dung của một văn bản nghệ thuật bằng việc tìm “từ khóa”  có nhiều ưu điểm, không chỉ hỗ trợ tốt trong việc lĩnh hội nội dung tác phẩm, mà còn rèn luyện năng lực tư duy cho người học nhất là học sinh phổ thông.

Có thể nhận thấy cách thức dạy và học văn hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, nhất là là hình thức dạy văn theo hướng truyền thụ kiến thức,dạy văn theo mẫu, viết văn theo mẫu. Đã đến lúc hình thức dạy văn theo kiểu cô A, thầy B giảng hay, truyền cảm…không nên được cổ vũ. Thay vào đó, một giờ dạy học văn sẽ được đánh giá ở năng lực tổ chức,  định hướng của giáo viên, nhằm giúp các em học sinh phát huy năng lực tư duy khi tiếp nhận một tác phẩm văn học.

Một trong những năng lực tổ chức quan trọng đối với một giờ dạy văn, là năng lực thiết kế các câu hỏi định hướng học bài. Hình thức dạy học theo hướng đặt câu hỏi đã được đề cập từ lâu, đã có chủ trương triển khai. Tuy vây, việc đặt câu hỏi như là phương pháp khoa học để tổ chức dạy học văn thì không nhiều giáo viên thực hiện tốt. Giáo viên dạy văn đa phần truyền thụ nội dung tác phẩm theo mô đã định sẵn. Khi lên lớp, chủ yếu đưa ra các phân tích, để bảo vệ nội dung đó, giáo viên giống một thuyết trình viên hơn là người tổ chức dạy học. Hệ quả của việc dạy học này khiến học sinh trở nên thụ động trong học tập, những hoat động của các em trong giờ học, về cơ bản chỉ phụ họa cho chương trình truyền thụ của giáo viên. Để khắc phục vấn đề này, giáo viên phải biết đặt học sinh vào vị trí trung tâm, mà việc tổ chức dạy học theo hình thức đặt câu hỏi là giải pháp then chốt. Khi đặt các câu hỏi là chúng ta đặt các em trở thành chủ thể sáng tạo trong việc tiếp  nhận tác phẩm. Theo đó, tổ chức một giờ dạy học văn sẽ có những dạng câu hỏi khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến việc đặt câu hỏi nhằm tìm “từ khóa” và vai trò của “từ khóa” trong việc khái quát nội dung toàn văn bản.

Xin dẫn bài thơ Thương Vợ của Tú Xương để minh họa: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quảng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không”. Chúng tôi đã xem phần hướng dẫn học bài của sách giáo khoa và nhận thấy, những câu hỏi hướng dẫn học bài của SGK là không nhiều giá trị. Các câu hỏi đặt ra trong SGK chưa đáp ứng được định hướng “mở khóa” để đi vào tác phẩm. Theo chúng tôi, cần đặt ra những bộ câu hỏi cụ thể, để học sinh có thể chủ động khám phá nội dung cũng như các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong tác phẩm. Bộ câu hỏi để lĩnh hội nội dung có thể theo trình tự sau:

Câu hỏi 1. Bài thơ viết về vấn đề gì? Câu trả lời tiềm tàng của học sinh là:  Bài thơ viết về cuộc sống vất vả của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.

Câu hỏi 2. Cuộc sống vất vả của người vợ được tác giả viết thế nào? Câu trả lời tiềm tàng của học sinh: Tác giả đã khắc họa một cách đạm nét sự vất vả của người vợ như quanh năm phải tần tảo buôn bán ở cái chợ tạm.

Câu hỏi 3. Vì sao người vợ lại phải lặn lội vất vả như vậy? Câu trả lời tiềm tàng: Để nuôi sống gia đình mình gồm năm con vơi cả chồng.

Câu hỏi 4. Vì sao người chồng lại để vợ mình vất vả như vậy? Có phải ông không thương vợ? Đây chính là câu hỏi trọng tâm, câu hỏi bản lề. Câu hỏi này học sinh phải tư duy nhằm đưa ra được cách giải thích phù hợp. Câu trả lời tiềm tàng: Tác giả rất thương vợ bằng chứng là ông đã đặt tên cho bài thơ này là Thương Vợ.

Câu hỏi 5. Nếu thương vợ sao ông không làm gì để san sẻ gánh nặng với vợ, có phải ông lười biếng? Câu hỏi này đòi hỏi năng lực lập luận của học sinh, học sinh phải tìm được những lí lẽ để bảo vệ câu trả lời trước đó là tác giả thương vợ. Câu trả lời tiềm tàng: tác giả thương vợ nhưng không thể làm gì để thể hiện tình thương nó, tác giả đang rơi vào sự bế tắc.

Câu hỏi 6. Nguyên nhân tạo tạo ra sự bế tắc đó? Câu trả lời tiềm tàng: Do xã hội phong kiến thối nát, không tạo ra được điều kiện cho những người trí thức như Tú Xương có thể làm việc để trang trải cho bản thân và chăm lo cho gia đình mình.

Câu hỏi 7. Sống trong hoàn cảnh như vậy, tác giả hài lòng, có vui vẻ, hay hạnh phúc hay không?  Câu trả lời tiềm tàng là Không.

Câu hỏi 8. Tâm trạng của tác giả như thế nào khi phải sống trong một thực trạng như vậy? Câu trả lời tiềm tàng: Tác giả buồn, chua xót, bế tắc, bi kịch khi rơi vào hoàn cảnh sống như vậy.

Câu hỏi 8. Sau khi xem xét các khía cạnh mà các câu hỏi vừa rồi đặt ra, em có ý kiến gì bổ sung về nội dung của tác phẩm, so với nội dung các bạn đã trả lời ở câu hỏi 1? Câu trả lời tiềm tàng: bằng việc khắc họa hình ảnh người vợ tảo tần vất vả để nuôi sống gia đình, nhất là nuôi sống mình, tác giả thể hiện tâm sự buồn, chua xót, bế tắc, bi kịch. Qua đó, chúng ta thấy được bộ mặt thối nát của xã hội phong kiến Việt Nam vào giai đoạn suy thoái.

Như vậy có thể thấy những từ như: buồn, chua xót, bế tắc, bi kịch là những “từ khóa” khái quát nội dung giao của tác phẩm. Nội dung bài thơ là sự truyền tải thông điệp giao tiếp về sự buồn chán, chua xót, bế tắc, bi kịch của những trí thức như Tú Xương sống vào giai đoạn chế độ phong kiến suy tàn. Đó là nội dung người tiếp nhận cần lĩnh hội. Còn việc khắc họa hình ảnh một người vợ tảo tần vất vả… đã trở nên quá rõ ràng, là hình tượng nghệ thuật, là “hệ thống tín hiệu thứ nhất”. Điều đó, không cần sách giáo khoa soạn lại, càng không cần giáo viên dạy lại, vì chỉ cần một học sinh lớp 5, có nhận thức bình thường, khi đọc văn bản thơ này, cũng không quá khó khăn để nhận biết được tín hiệu thứ nhất đó.

Khám phá ngôn văn bản nghệ thuật, buộc chúng ta phải hướng đến điều mà nhà văn Nam Cao đã đặt là “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Lẽ dĩ nhiên, mọi khám phá phải lập luận từ chính hình tượng nghệ thuật trong văn bản, chứ không phải suy đoán một cách tùy tiện.

3. Lĩnh hội văn bản nghệ thuật đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo. Người tiếp nhận phải có kỹ năng giải mã các hình ảnh, hình tượng nghệ thuật, đồng thời, phải có năng lực khái quát hóa các chi tiết, từ đó đưa ra những kết luận phù hợp trên cơ sở tôn trọng văn bản và xuất phát từ văn bản. Với học sinh phổ thông, việc rèn luyện cho các em thói quen lập luận logic, để tự khám phá nội dung của các tác phẩm nghệ thuật là điều rất cần thiết. Việc học, trong nhiều trường hợp, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, mà cái cần và quan trọng hơn là giúp người học có được kinh nghiệm về điều mình học, để các em tiến tới tự mình trãi nghiệm trong cuộc sống.

Với các môn khoa học xã hội, nhất là môn Ngữ Văn, nếu giáo viên chỉ dừng lại ở việc giảng giải, để học sinh nhớ những nội dung của một số văn bản nghệ thuật trong SGK, nhằm ứng phó với các kỳ thi sẽ khiến môn học này ngày càng mất đi giá trị. Muốn học sinh không nhàm chán khi học Ngữ Văn, giáo viên phải có sự sáng tạo, lấy người học làm trung tâm. Một trong những giải pháp mà bài viết này đã đặt ra, là việc thiết kế các câu hỏi học bài, nhất là những câu hỏi hướng học sinh tìm kiếm “từ khóa” phù hợp nhằm khái quát nội dung văn bản.  Các câu hỏi phải khoa học, logic, để học sinh tham gia tích cực trong việc khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Arixtôt (1970), Nghệ thuật thơ ca, NXB Văn hóa – Nghệ thuật.
  2. Võ Bình, Lê Anh Hiền, Cù Đình Tú, Nguyễn Thái Hòa (1982), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
  3. C. Mác, F. Ăngghen, V.I. Lênin (1962), Về văn học nghệ thuật, NXB Sự thật.
  4. Đỗ Hữu Châu (1974), Trường từ vựng – ngữ nghĩa và việc dùng từ ngữ trong tác phẩm nghệ thuật, "Ngôn ngữ".
  5. Hà Minh Đức (chủ biên) (2008), Lí luận văn học, NXB Giáo dục.

       6. Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, Hà Nội.